Tình hình giá bất động sản Hà Nội tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, khiến nhiều người mua và nhà đầu tư phải cân nhắc “rút chân” khỏi Thủ đô, chuyển hướng đến các tỉnh thành có hạ tầng giao thông và kinh tế phát triển nhanh, đồng thời có mức giá “dễ chịu” hơn.
Bất động sản Hà Nội “nóng bỏng tay”
Ngay từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản tại Hà Nội đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá liên tục trên hầu hết các phân khúc. Đặc biệt, loại hình đất đấu giá ở các huyện ngoại thành như Thanh Oai, Hoài Đức trở thành “điểm nóng” khi thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và các cá nhân. Với nguồn cung nhà ở khan hiếm, nhu cầu cao đã dẫn đến việc giá trúng đấu giá vượt xa giá khởi điểm.
Theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, trong quý III/2024, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ tại Hà Nội đã chạm ngưỡng 70 triệu đồng/m2, tiệm cận mức giá tại TP. HCM. Đây là mức tăng giá nhanh nhất từ trước đến nay của thị trường chung cư Hà Nội. Ngoài ra, các phân khúc khác như biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội cũng đồng loạt tăng mạnh. Chỉ trong quý III, giá nhà liền thổ đã tăng đến 27% so với cùng kỳ, với giá bán trung bình 235 triệu đồng/m2. Đà tăng này đã đẩy mặt bằng giá đất tại Thủ đô lên một tầm cao mới, khiến không ít người mua và nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ trước quyết định xuống tiền.
Tại các phiên đấu giá đất ngoại thành, giá trúng đấu giá tăng chóng mặt khiến nhiều chuyên gia bất động sản cũng phải “sốc”. Tại huyện Thanh Oai, mức giá trúng đấu giá cao nhất lên tới gần 100,5 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Ở huyện Hoài Đức, một phiên đấu giá khác ghi nhận lô đất cao nhất trúng giá tới 133,3 triệu đồng/m2, cao hơn 18 lần giá ban đầu. Sự chênh lệch lớn này đã dẫn đến việc TP. Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại công tác đấu giá đất nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tránh tác động tiêu cực đến thị trường.
“Giấc mơ” nhà ở Hà Nội xa tầm với – Xu hướng dịch chuyển về tỉnh ngày càng mạnh

Trước cơn sốt giá bất động sản, nhiều người trẻ và các gia đình đã chọn giải pháp rời Thủ đô, tìm nơi ở và cơ hội đầu tư tại các tỉnh có hạ tầng phát triển, hứa hẹn sự tăng trưởng ổn định. Đối với không ít người trẻ, chi phí sống và mua nhà ở Hà Nội đã vượt quá khả năng tài chính. Họ chuyển đến các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện, cho phép di chuyển về Hà Nội thuận lợi chỉ trong 1-2 giờ đồng hồ. Việc chọn ở tỉnh thành lân cận, nhưng vẫn đảm bảo kết nối với Thủ đô, đang trở thành một xu hướng được đông đảo người dân quan tâm.
Các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội liên quan đến việc “dừng mua nhà Hà Nội” đã thu hút hàng trăm nghìn thành viên tham gia chỉ trong vài tháng gần đây. Trong các hội nhóm này, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm mua nhà và các bài viết nói về xu hướng “di cư” về các tỉnh phát triển khác, thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Theo các bài đăng, lựa chọn này không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí mà còn mang lại cuộc sống thoải mái, phù hợp với khả năng chi trả.
Cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản tỉnh
Trước đà tăng giá tại Hà Nội, các nhà đầu tư cũng có xu hướng chuyển dòng vốn về các tỉnh thành tiềm năng. Việc đầu tư bất động sản tại Hà Nội hiện yêu cầu khoản vốn lớn, thường phải chi từ hàng chục tỷ đồng để sở hữu một bất động sản đô thị tại các khu vực trung tâm hoặc vùng ven. Trong khi đó, cùng số vốn đó, nhà đầu tư có thể mua được 2-3 bất động sản cùng diện tích tại các khu đô thị kiểu mẫu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, hoặc Bắc Ninh.
Xu hướng đầu tư vào bất động sản tỉnh còn được thúc đẩy bởi hạ tầng giao thông đồng bộ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của các khu đô thị tại địa phương. Các khu vực như Quảng Ninh hay Bắc Ninh được đánh giá là có tốc độ đô thị hóa nhanh và sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn, mang đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn cho bất động sản. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thay vì đầu tư vào một bất động sản nhà phố tại Hà Nội, họ có thể chia nhỏ vốn, đầu tư vào các khu đô thị quy hoạch hiện đại, nơi có nhiều yếu tố nội sinh giúp giá trị bất động sản tăng trưởng bền vững.
Làn sóng dịch chuyển mở ra cơ hội mới
Giới chuyên gia cho rằng, làn sóng dịch chuyển khỏi Hà Nội của người dân và nhà đầu tư có thể trở thành một xu hướng dài hạn trong thời gian tới. Hạ tầng kết nối tốt với Hà Nội và tiềm năng phát triển của các tỉnh lân cận là những yếu tố quan trọng thúc đẩy xu hướng này. Những bất động sản tại các khu đô thị có tiện ích khép kín, đồng bộ sẽ ngày càng hấp dẫn, nhất là với các gia đình trẻ và người đầu tư tìm kiếm sự an cư, lâu dài.
Sự thay đổi này cũng mang lại nhiều cơ hội mới cho những nhà đầu tư nhạy bén, sẵn sàng đón đầu sự phát triển hạ tầng và đô thị hóa tại các tỉnh thành. Với xu hướng “dịch chuyển” đang ngày càng rõ nét, không chỉ là cơ hội đầu tư mà còn là giải pháp cho nhiều người trẻ muốn tìm kiếm một cuộc sống chất lượng và ổn định, phù hợp với khả năng tài chính.